Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Yếu tố cơ sở hạ tầng trong an toàn giao thông

An toàn giao thông là sự an toàn, thông suốt, không bị xâm hại đối với người và phương tiện tham gia giao thông khi hoạt động trên các tuyến đường giao thông. An toàn giao thông phụ thuộc vào các yếu tố: Người tham gia giao thông, phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng và môi trường. Một trong những yếu tố này có sự bất bình thường đều có thể dẫn đến tai nạn giao thông hoặc mất an toàn giao thông.

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông chính là yếu tố cơ sở hạ tâng.


Trên mỗi con đường có thể có nhiều đoạn có tình trạng kỹ thuật khác nhau hoặc tình trạng giao thông khác nhau, nên có ảnh hưởng khác nhau đến việc chạy xe. Khi đó đòi hỏi lái xe phải tập trung chú ý để đưa ra giải pháp điều khiển xe kịp thời và an toàn. Giải pháp quan trọng nhất là thay đổi tốc độ cho phù hợp với từng đoạn đường, từng điều kiện giao thông cụ thể. Nguy cơ về tai nạn giao thông rõ rệt và tốc độ trung bình của dòng giảm đi rõ rệt trong các trường hợp sau:
- Đoạn đường bị xấu đi bất ngờ, bề rộng và độ bằng phẳng của mặt đường kém
- Nơi mà điều kiện đường có độ an toàn thấp như các đoạn đường quanh co, gấp khúc, khuất tầm nhìn,…
- Nơi mà các xe có công suất nhỏ không bứt phá được lực cản trên đường
- Tại chổ đường giao nhau, chổ vượt, làn đường chuyển tốc độ.
- Tại những chổ người đi bộ, xe đạp, xe súc vật kéo,…

1. Yếu tố lưu lượng và kết cấu dòng xe
Trong các điều kiện như nhau, tai nạn giao thông phụ thuộc vào lưu lượng xe trên đường và quy luật chuyển động của dòng xe. Khi lưu lượng xe thấp số xe tránh và vượt nhau ít, người lái xe có xu hướng cho xe chạy vào tim đường hoặc gần mép trong làn đường dành cho xe mình để tránh ảnh hưởng của lề đường và thành cầu. Khi lưu lượng thấp, số tuyệt đối của tai nạn giao thông nhỏ.
Số tai nạn giao thông không chỉ phụ thuộc vào lưu lượng mà còn phụ thuộc vào kết cấu dòng xe, vì mỗi loại xe có kích thước, tải trọng, tốc độ khác nhau. Số chạy xe trong dòng càng nhiều, nhu cầu vượt nhau càng lớn, nên xác suất về tai nạn giao thông càng cao. Rõ ràng nhất là tỷ lệ xe tải trong dòng xe càng lớn thì hệ số tai nạn giao thông càng tăng.
Có thể thấy được rằng số tai nạn giao thông tăng chậm và tỷ lệ với lưu lượng xe chạy cho đến khi lưu lượng đạt đến trị số khả năng thông xe bình thường của đường. Khi lưu lượng tiếp tục tăng thì số tai nạn giao thông cũng tăng lên đáng kể. Khi tốc độ chạy của các loại xe trong dòng xe càng chênh lệch thì số tai nạn giao thông càng cao, nên dòng xe hổn hợp có hệ số tai nạn giao thông cao hơn dòng xe thuần nhất.

2.  Số làn xe chạy, việc tách dòng xe ngược chiều và bề rộng phần đường xe chạy
Đối với đường có nhiều làn xe, khi lưu lượng xe chạy thấp, nghĩa là khi đường chưa hoàn toàn lắp đầy xe thì số tai nạn giao thông xe giảm. Khi tách chuyển động của 2 làn xe ngược chiều bằng dải phân cách thì hiệu quả rất đánh kể đến an toàn xe chạy. Đường 3 làn xe có khả năng tăng khả năng thông qua đường từ 1,3 – 1,7 lần.
Trên các mặt đường hẹp, khi xe tránh nhau và vượt nhau, khoảng cách giữa các xe cũng như khoảng cách giữa các bánh xe với mép lề không gia cố không đủ để lái xe tin tưởng, mặc dù họ đã giảm tốc độ. Vì vậy số tai nạn giao thông tăng theo mức độ giảm bề rộng phần xe chạy.

3. Ảnh hưởng của tầm nhìn
Tầm nhìn là một trong những nhân tố quan trọng nhất đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Tầm nhìn đủ giúp cho lái xe thấy được các chướng ngại vật từ xa và có đủ thời gian để xử lý. Tuy nhiên, bù lại ở những nơi có tầm nhìn bị thu hẹp thì lái xe lại tăng cường chú ý hơn. Tầm nhìn bị rút ngắn trong các trường hợp khi vượt nhau: Trong dòng xe hỗn hợp, người lái xe có tốc độ lớn thường có xu hướng vượt lên trước mà lúc này tầm nhìn hẹp nên rất nguy hiểm hoặc khi vào đường cong có nhiều vật che chắn, tầm nhìn bị giảm đi rất nhiều.

4. Yếu tố đường cong trên bình đồ
Tai nạn giao thông thường xuất hiện ở những đường cong trên bình đồ, tỷ lệ chiếm khoảng 10 – 20% trong tổng số vụ. Bán kính đường cong trên bình đồ từ 2.000m trở lên thì ảnh hưởng của chúng đến tai nạn giao thông không khác gì đường thẳng, còn khi bán kính cong nhỏ hơn 600 – 700m thì tốc độ tăng hệ số rất nhanh. Để an toàn đi vào đường cong, lái xe cần phải trông thấy đường và làn xe dành cho mình từ một khoảng cách đủ để phanh xe khi gặp chướng ngại vật bất ngờ.

5. Yếu tố giao nhau đường cùng mức
Ở những nơi giao nhau cùng mức, việc đánh giá an toàn chạy xe phức tạp hơn những đoạn đường khác, vì sự giao cắt giữa các dòng và sự đổi hướng của chúng làm tăng xác suất tai nạn giao thông. Tại chổ giao nhau có lưu lượng xe cao đến từ các hướng thường gây nên xung đột.
Do đời sống của nhân dân được nâng cao, nhu cầu đi lại gia tăng, việc sử dụng phương tiện (xe máy, ô tô con) ngày càng tăng cao, song sự bùng nổ và tiếp tục gia tăng nhu cầu tham gia giao thông ngày càng lớn, vượt năng lực đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, thói quen, tập quán vùng, miền nên đã thường xuyên đã vi phạm an toàn giao thông (uống rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm,…) và đang là một vấn đề đặt ra công tác an toàn giao thông hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét