Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Tăng cường các giải pháp nâng cao an toàn giao thông trên đường bộ

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị rà soát, tăng cường các giải pháp nâng cao an toàn giao thông trên đường bộ.


Theo đó, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các các Cục Quản lý Đường bộ (QLĐB) I, II, III, IV; các Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ động rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập về tổ chức giao thông, các vấn đề mất an toàn giao thông được Ban An toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông và các thông tin qua đường dây nóng, thông tin các phương tiện truyền thông phản ánh.


Đồng thời, thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh, sửa chữa biển báo hiệu đường bộ bất cập hoặc hư hỏng, che lấp để bảo đảm dễ nhìn, dễ hiểu và dễ chấp hành. Bổ sung các biển báo cấm đỗ xe tại đoạn đường đông đúc có tình trạng sử dụng lòng, lề đường để đỗ xe kéo dài qua đêm hoặc kinh doanh hàng quán, rửa xe; các biển chỉ dẫn hoặc các biển báo cần thiết khác. Tháo bỏ biển báo thừa, gây nhiễu loạn và mất tập trung của lái xe.

Sửa chữa, dặm vá, bổ sung sơn kẻ đường, ưu tiên sơn tim, vạch dừng, vạch mắt võng, vạch giảm tốc, gờ, gờ giảm tốc các đường ngang. Ưu tiên bố trí đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, sửa chữa hoặc bổ sung các công trình phòng hộ đặc biệt đường đèo dốc, vực sâu, sương mù; trên các tuyến giao thông huyết mạch, các điểm xung yếu để giảm thiểu tai nạn thảm khốc.

Tăng cường công tác quản lý bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, kiểm tra điều kiện an toàn công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục các vị trí mặt đường bị hư hỏng, sạt lở mái taluy do mưa, lũ gây ra; có phương án bố trí nhân lực, phương án phân luồng giao thông khi có ùn tắc xảy ra trước, trong và sau các dịp lễ, tết. Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương giải tỏa tầm nhìn bị cây cối, biển hiệu, lều quán, họp chợ lấn chiếm lòng lề đường, tầm nhìn và đấu nối trái phép.

Bên cạnh đó, các Cục QLĐB, các Sở GTVT chủ động thực hiện theo thẩm quyền, trường hợp khối lượng kinh phí lớn, nằm ngoài công tác bảo dưỡng thường xuyên, nếu cấp thiết thì xử lý tạm thời, đồng thời tổng hợp báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để Tổng cục báo cáo Bộ GTVT.

Về công tác xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị kịp thời nắm bắt, thu thập các điểm đen tai nạn giao thông phát sinh, lập hồ sơ theo Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT báo cáo ngay về Tổng cục Đường bộ (đối với quốc lộ) để xem xét xử lý.

Trong thời gian làm các thủ tục xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các Cục QLĐB, các Sở GTVT, các nhà đầu tư phải có các biện pháp xử lý tạm thời ngay (sơn kẻ đường, sơn gờ giảm tốc, vạch dẫn hướng, biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ, biển cấm dừng, cấm đỗ tại các đoạn có nguy cơ mất an toàn giao thông như khu chợ, khu dân cư, thương mại, khu công nghiệp, trường học bệnh viện tập trung người và phương tiện ngay sát đường) và phải thường xuyên theo dõi, điều chỉnh cho phù hợp, nâng cao an toàn giao thông.

Riêng đối với đường Hồ Chí Minh, ngoài thực hiện các nội dung nêu trên, yêu cầu các Cục QLĐB, các Sở GTVT có tuyến đi qua thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, theo đó, cần rà soát xử lý các vị trí đèo dốc, vực sâu xử lý các giải pháp an toàn giao thông: Bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn lái xe an toàn, xem xét xây dựng đường cứu nạn, hốc cứu nạn, lắp đặt hộ lan hai, ba tầng, có trợ lực hoặc tường phòng hộ, tường lốp... bảo đảm khả năng chịu đựng va chạm mạnh và ngăn ngừa lật xe ô-tô xuống vực hoặc đâm vào vách núi giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp không may xảy ra tai nạn.

Về công tác quản lý vận tải, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát thông tin qua thiết bị giám sát hành trình xe ô-tô, thường xuyên thống kê, phát hiện các phương tiện vi phạm về tốc độ, hành trình, dừng đỗ, thời gian lái xe liên tục, ... để kịp thời kiểm tra. Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo hợp đồng và vận tải khách bằng xe ô-tô. Kịp thời chia sẻ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho Cục Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, công an ở địa phương để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các xe vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Tiếp tục chấn chỉnh, xử lý đối với các phương tiện không truyền dữ liệu theo quy định. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải tăng cường công tác tự theo dõi để phát hiện kịp thời các phương tiện bị mất tín hiệu, các trường hợp vi phạm trong khi đang hoạt động vận tải, đồng thời phải liên hệ ngay với đơn vị cung cấp thiết bị để khắc phục và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ đầy đủ, kịp thời.

Các Sở GTVT cần tăng cường công tác tuyên truyền tại các bến xe, đồng thời yêu cầu chủ xe, lái xe tuyên truyền, nhắc nhở lái xe, hành khách phải thắt dây an toàn trên xe.

Xây dựng và tổ chức phương án vận tải phù hợp, bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong các dịp nghỉ Lễ, Tết; đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ điều kiện an toàn phương tiện trước khi xuất bến.

Tổng cục yêu cầu các Cục QLĐB, các Sở GTVT, các Nhà đầu tư BOT đường bộ khẩn trương thực hiện các nội dung nêu trên trong phạm vi, lĩnh vực quản lý; báo cáo kết quả thực hiện và các vấn đề vướng mắc về Tổng cục Đường bộ để kịp thời xử lý.

Nguôn: Báo Nhân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét